Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN

Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay.

Con trai tôi du học ở Mỹ theo học bổng. Sau một năm học lớp 10 tại một trường trung học danh tiếng có 107 năm truyền thống của tiểu bang Georgia, cháu may mắn luôn giữ vị trí số 1 và được thày cô khen ngợi. Khi còn ở Việt Nam, cháu cũng là học sinh giỏi Anh Văn, học sinh giỏi Tin học, từng ở trong đội tuyển của quận, của TPHCM. Vì vậy tôi cũng muốn tìm hiểu thi học sinh giỏi ở Mỹ sẽ như thế nào.

Ai thích thì... tự đăng ký thi

Đầu tiên tôi xem xét ở trường. Hóa ra các trường phổ thông ở Mỹ không tổ chức thi học sinh giỏi theo kiểu đồng loạt và đại trà như ở Việt Nam, nghĩa là thi đậu vào đội tuyển của trường, sau đó thi cấp quận, huyện, rồi chọn ra những em đứng đầu vào đội tuyển thi thành phố. Và cứ thế lên đến cấp quốc gia và sau chót là quốc tế. Tương tự, các trường phổ thông ở Mỹ cũng không thấy có các đội tuyển học sinh giỏi để "luyện gà chọi".

Tôi tiếp tục tìm hiểu trên mạng Internet. Hóa ra ở Mỹ, có rất nhiều cuộc thi Toán dành cho học sinh giỏi cấp trung học phổ thông hàng năm được tổ chức. Có khoảng 24 cuộc thi tầm cỡ quốc gia hay khu vực lớn tổ chức hàng năm. Ngoài ra, còn các cuộc thi của từng tiểu bang và của những khu vực nhỏ hơn. Sơ sơ cũng cả trăm cuộc thi mỗi năm.

Nhưng thử xem cuộc thi lớn nhất là kỳ thi Toán học Mỹ (American Mathematic Competition - AMC) do Hiệp hội Toán học (HHTH) Mỹ tổ chức. Theo HHTH Mỹ, cuộc thi này đã có từ 60 năm nay. Hàng năm có 350.000 học sinh từ 6.000 trường trung học Mỹ tham gia kỳ thi này để giải các bài toán khó và trui rèn đam mê môn Toán. Cuộc thi này tổ chức cho các học sinh theo từng cấp lớp và sẽ có nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ cuối cùng, tất nhiên là sẽ vào Olympic Toán Quốc tế với 6 học sinh xuất sắc nhất.

Vậy làm thế nào để tham gia cấp độ đầu tiên của Kỳ thi này? Câu trả lời từ HHTH Mỹ rất đơn giản là ai cũng có thể tham gia. Bạn chỉ cần đăng ký một khoản lệ phí trực tuyến từ 50 - 60 USD (tùy cấp lớp), sau đó chọn ngày nào phù hợp theo lịch trình và địa điểm thi nào gần nhất trong tiểu bang bạn sống. Khi thi xong, nếu điểm tốt, bạn sẽ tiếp tục thi vào các kỳ cao hơn.

thi học sinh giỏi, Olympic, học sinh Mỹ, đổi mới giáo dục
Một buổi thi Olympic Toán quốc tế. Ảnh: Vnmath.com
Không có "lò", tự luyện thi
Vậy ai luyện thi cho bạn? Câu trả lời là chính bạn. Khi đăng ký kỳ thi AMC đầu tiên, bạn sẽ nhận được khá nhiều giá trị cộng thêm từ khoản lệ phí thi đã nộp. Theo đó bạn và thày giáo dạy Toán của bạn ở trường sẽ nhận được các Tạp chí Toán học, bản tin điện tử về Toán, giảm giá các loại sách, video về Toán của HHTH Mỹ bán ở hiệu sách, tham gia các khóa học trực tuyến, giảm giá cho vé tham dự các cuộc họp và hội thảo về Toán hàng năm... Đây là những tài liệu và hoạt động đa dạng của HHTH Mỹ giúp bạn học Toán và chia sẻ những vấn đề băn khoăn với cộng đồng Toán học toàn nước Mỹ. Còn lại thì bạn tha hồ tự "luyện chưởng".

Để giúp thêm học sinh, HHTH Mỹ cho ra những lời khuyên. Theo đó, cách tốt nhất để học giỏi Toán và thi lọt các vòng là liên tục làm Toán, thực hành không ngừng nghỉ. Với các bài viết trong phần giải Toán thì phải làm sao trình bày cho rõ ràng, khúc chiết. Nên tìm nhiều cách tốt nhất để giải một bài Toán, vì chẳng có bài Toán nào chỉ có một cách duy nhất.  Muốn học giỏi Toán thì nên học từ bạn bè, cũng như liên tục học hỏi từ những bậc thầy bằng cách đọc các sách Toán họ viết hoặc liên lạc bằng mọi cách nếu có thể.

Quan điểm GD Mỹ cho rằng, một học sinh giỏi Toán thì nên học hỏi từ quá khứ, nên liên hệ những vấn đề mới từ những vấn đề cũ để học hỏi thêm về sự tương đồng hay sự khác biệt. Và ngay cả khi kỳ thi đã kết thúc, mỗi học sinh cần tiếp tục suy nghĩ về những bài toán mà cuộc thi đặt ra và thảo luận với người khác. Cuối cùng, họ khuyên học sinh nên kiên nhẫn học Toán.

Như vậy, khác hẳn với các học sinh giỏi ở Việt Nam, sau khi đi qua kỳ thi tuyển chọn đầu tiên bắt đầu lọt dần vào các đội tuyển và được luyện như luyện gà chọi, học sinh Mỹ phải tự học là chính. Và trong quá trình này, các học sinh Việt Nam có thể được trường  "đặc cách" cho nghỉ bớt môn phụ, thậm chí bỏ học các môn khác vài tháng, về học bù sau mà chỉ tập trung vào học môn mình sẽ tham gia thi học sinh giỏi. Trong khi đó, học sinh Mỹ vì tự học môn nào là do ưa thích và đam mê, tự đi thi vì nỗ lực muốn chứng minh bản thân có khả năng vượt qua thử thách, nên ở trường vẫn học tất cả các môn học không có gì thay đổi.

Hơn nữa, các kỳ thi học sinh giỏi tại Mỹ chỉ là một phần thước đo giá trị của học sinh. Tại trường phổ thông Mỹ, một học sinh được coi là xuất sắc phải "văn võ song toàn". Tức là đương nhiên có thành tích học tập tốt, nhưng ngoài ra em này còn là người có năng khiếu và thành tích trong thể thao hay nghệ thuật. Chưa hết, em này còn có khả năng tham gia các hoạt động cộng đồng, có thành tích lãnh đạo, các kỹ năng mềm trong đời sống đều xuất sắc.

Vì vậy, các học sinh giỏi Toán cũng vẫn có thể vẽ đẹp, chơi thể thao cừ và hoạt động từ thiện tích cực. Hình ảnh của một học sinh giỏi như vậy tràn đầy sức sống và rất gần gũi với những gì xã hội cần. Nó khác hẳn hình ảnh những học sinh giỏi theo kiểu "gà chọi" của ta, chỉ biết một môn mà mình giỏi, mắt cận thị vì học nhiều quá và thân thể không cường tráng cho lắm vì không có thời gian tập thể thao. Đó là chưa kể nhiều em chuyên học Toán, Lý, Hóa giỏi thì giao tiếp và hoạt động xã hội rất yếu.

Ba ngày và vài năm
Dù sao tôi vẫn còn một điểm tò mò. Cho dù là học sinh Mỹ tự học thế nào, vậy vẫn còn kỳ thi Olympic quốc tế, không lẽ lại không chuẩn bị cho các em. Vì kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 đến gần, tôi vào website của American Chemical Society, Hiệp hội Hóa học Mỹ xem thử.

Thông tin ở đây cho hay, các học sinh trung học Mỹ, sau khi trải qua các kỳ thi học sinh giỏi Hóa (cách thức tương tự thi Toán) sẽ chọn ra 20 thành viên xuất sắc nhất. Các em này sẽ được mời đi cắm trại 3 ngày trước kỳ thi. Sau 3 ngày, từ 20 em sẽ chọn ra 4 em xuất sắc nhất để tham dự kỳ thi cuối cùng... Chỉ vẹn vẹn ba ngày so với hàng nhiều năm luyện trong lò của học sinh ta.

Như vậy, từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay, và từ đó cho ra những "sản phẩm" học sinh giỏi cũng rất khác nhau. Một bên là những học sinh giỏi do thực sự đam mê, yêu thích và có khả năng tự học và kiên trì, chịu cạnh tranh cao độ, dưỡng sức để có thể trở thành một nhân tài có thể cống hiến lâu dài cho xã hội. Một bên là tạo ra những học sinh giỏi ban đầu từ đam mê, yêu thích, sau biến thành gà chọi trong lò luyện, chỉ biết một mục tiêu duy nhất đi thi đoạt giải và có thể có nhiều hệ lụy đi kèm.

Học sinh giỏi Việt Nam rất thông minh, kiên nhẫn, đam mê. Nhưng muốn những nhân tài này hữu dụng hơn cho xã hội mai này, có lẽ  chúng ta cần sớm thay đổi cách dạy, cách học, các thi, cách khuyến khích tài năng cho phù hợp.

An Dung

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

4 tố chất không thể thiếu của nhà lãnh đạo xuất chúng

Để trở thành nhà lãnh đạo, nó đòi hỏi mỗi người phải tự học hỏi, tự bồi dưỡng tố chất, và đặc biệt, phải có sự tích lũy qua năm tháng.

4 tố chất không thể thiếu của nhà lãnh đạo xuất chúng
Từ ngàn xưa, người phương Đông luôn quan niệm rằng: người lãnh đạo nhất thiết phải hội tụ “thuật dụng ngôn, thuật lãnh đạo, thuật quản trị và thuật xử thế” thì mới thu phục được thiên hạ. Thế nhưng, để trở thành nhà lãnh đạo, nó đòi hỏi mỗi người phải tự học hỏi, tự bồi dưỡng tố chất, và đặc biệt, phải có sự tích lũy qua năm tháng.

Cá nhân bạn có tự tin vào tố chất lãnh đạo trong con người mình? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu làm thế nào để có khả năng chỉ huy người khác qua bộ sách Tứ thư lãnh đạo, bộ cẩm nang dành cho những nhà lãnh đạo, quản lí và dành cho những ai đang muốn trở thành lãnh đạo.Bộ sách được chia thành 4 tập, bao gồm thuật dụng ngôn, thuật lãnh đạo, thuật quản trị và thuật xử thế. Sách do Thaihabooks mua bản quyền xuất bản.
Thuật dụng ngôn - Một người lãnh đạo không hoàn toàn làm chủ ngôn ngữ thì chắc chắn không thể lãnh đạo người khác tốt được. Khả năng ăn nói trở thành công cụ liên kết quan trọng thứ ba đứng liền sau công cụ giao thông và công cụ thông tin, liên lạc.
Nó là chiếc chìa khóa vàng giúp mở rộng cánh cửa thành công, là vũ khí giúp giành chiến thắng trong những cuộc tranh đấu quyết liệt.
Tài ăn nói chính là việc bạn có thể diễn đạt một cách độc lập, đối đáp một cách tự nhiên, thoải mái. Trên thương trường đầy sóng gió, vẫn có rất nhiều người "như cá gặp nước", họ ăn nói hùng hồn, giọng nói sang sảng, dù có đối mặt với khó khăn cũng có thể biến nó thành việc tốt;
Họ chào đón đối thủ bằng những nụ cười, khéo léo hành động, chỉ cần trong một phút chốc ngắn ngủi có thể quyết định thành bại được mất.
Họ luôn nổi bật giữa đám đông, nói năng mạnh mẽ, có khí phách, bất cứ khi nào chỉ cần "nhất hô bách ứng", một khi đã phát ngôn thì trên dưới đều như một, nhiều người ủng hộ.
Và ngược lại chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rất nhiều người mất đi những cơ hội tốt chỉ vì khả năng diễn đạt không tốt, mọi nỗ lực phấn đấu đều không đi đến được kết quả cuối cùng.
Tài ăn nói không phải một thứ trời sinh, chỉ cần bạn nghe nhiều, nói nhiều, chăm chỉ luyện tập, dần dần sẽ có thể “nói đâu trúng đó”, như là “Ngọc quý từ đá mà ra, Mai vàng chỉ nở khi qua đông lạnh”.
Tài ăn nói của một người lãnh đạo là tiêu chuẩn cơ bản nhất, trực tiếp nhất mà người khác nghĩ đến khi đánh giá năng lực và tố chất của người lãnh đạo, nó cũng thể hiện khả năng giao tiếp, phong thái khi nói chuyện của một người nào đó.
Một người lãnh đạo không thể tách rời khả năng ăn nói; khi giao tiếp cần có tài ăn nói xã giao; khi giáp mặt với đối thủ rất cần tài hùng biện sắc sảo; khi hợp tác làm ăn cần đến thương lượng đàm phán; khi khích lệ cấp dưới cần phải biết cách cổ vũ, động viên.
Với Thuật xử thế  đó chính là nhịp cầu kết nối giữa người với người. Bởi nói như Adams.J, nhà xã hội học nổi tiếng của Mỹ:
Giao thiệp giống như một sức hấp dẫn tiềm ẩn trong tố chất căn bản của mỗi con người, nó có thể thổi luồng gió đầy sức sống vào những sự việc cứng nhắc khô khan, có thể làm cho những sự việc rối rắm lộn xộn trở nên thông suốt rõ ràng, quan trọng hơn nó có thể đưa một người không nhiều năng lực lên đỉnh cao của công danh sự nghiệp.
Giả dụ đời người như một đỉnh núi tuyết, thì giao thiệp như cây đục băng giúp bạn trèo được lên đỉnh núi; giả dụ đời người là biển cả, thì giao thiệp chính là con tàu chở bạn trên hành trình chinh phục biển khơi; giả dụ đời người là một cuốn sách dày, thì giao thiệp chính là mật mã ghi lại thành công của bạn.
Ngày nay, con người sở dĩ phải học cách giao thiệp, là bởi chúng ta đã có sẵn những điều kiện thuận lợi: một là vận may tốt nhất; hai là tham vọng mãnh liệt nhất; ba là cơ hội thể hiện nhiều nhất.
Vì vậy, từ chính rất nhiều ví dụ thực tế thành công xung quanh tôi, tôi có thể đưa cho bạn đọc một lời khuyên là "khả năng giao thiệp là phép màu giúp con người bước lên nấc thang của thành công, nó có thể khiến cho sức hấp dẫn của bạn lan tỏa vô tận và giá trị của bạn được nâng lên một cách đáng kinh ngạc”.
   (Xem thêm: 6 sai lầm lớn các CEO thường mắc phải)
Đến với “Thuật Quản trị” - Làm thế nào để có thể nhận biết người tốt kẻ xấu? Điều kiện tiên quyết nằm ở việc bạn phải công bằng, chính trực, vô tư, không thiên vị…
Người lãnh đạo phải đối diện với một tập thể được cấu thành từ những các quản lý cấp trung và nhân viên. Mục tiêu của tập thể là duy trì sự thống nhất nội bộ và tiếp tục phát triển.
Để thực hiện được điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo phải nhận biết và khai thác được năng lực tiềm ẩn của nhân viên, phát huy mặt mạnh của mỗi người, phân công công việc hợp lý, tuyển dụng và giữ chân nhân tài…
Tuy nhiên, để có thể rèn luyện được năng lực quản lý hiệu quả, cần dựa vào các chiến lược quản lý trong sách vở kết hợp với thực tiễn của bản thân, bước dần tường bước, tích tiểu thành đại, thì không có gì là không thể làm được.
Các cấp bậc của quản trị gồm: bậc đầu tiên là xây dựng chế độ quản lý để mọi người đều phải tuân theo; bậc tiếp theo là việc dù lớn hay nhỏ, ai nấy cũng đều phải có trách nhiệm hoàn thành; bậc cao hơn nữa là tạo dựng uy quyền, mệnh lệnh đưa ra buộc phải chấp hành; tiếp nữa là làm gương cho cấp dưới làm mọi người đồng tâm nhất trí và cuối cùng là quản lý người theo ý mình nhưng dưới hình thức quản mà như không quản.
Cũng giống như một nước đi có thể cứu sống cả ván cờ, một câu nói ấm áp đổi lại sự trung thành, một đôi mắt tinh tường khiến nhân tài kéo về tề tựu, triết lý này tưởng chừng như vô thường nhưng thực ra lại chính là con đường đi đến thành công trong quản lý con người.
Và cuối cùng là Thuật lãnh đạo, bất kỳ một nhà lãnh đạo kiệt xuất nào trên thế giới cũng từng phải đối mặt với những thách thức, từng phải đưa ra những nước cờ quyết định trước khi giành được chiến thắng cuối cùng.
Lãnh đạo không nhất thiết phải là người học rộng, nhưng nhất thiết phải là người có năng lực. Họ phải biết cách lắng nghe, biết cách làm việc với cấp trên; nghiêm khắc mà độ lượng, ân cần niềm nở với cấp dưới; biết động viên tinh thần cộng sự để cùng đoàn kết một lòng;
Biết tùy cơ ứng biến, nhanh nhạy khôn khéo với đối phương; biết tranh thủ những người ủng hộ; và phải biết đặt mình vào vị trí của những người phản đối mình để tìm cách thu phục họ…
Có thể nói rằng, tất cả những điều đó là tố chất cần có của một người lãnh đạo. Là người đi đầu trong một tập thể, vị trí đặc biệt đó quyết định nên các tố chất mà họ cần phải có.
Tố chất đó là sự tổng hòa của nhiều mặt như hành vi, trí tuệ, tình cảm, thái độ. Một nhà lãnh đạo giỏi không nhất thiết phải là một nhà diễn thuyết, bởi vì một nhà diễn thuyết đại tài chưa chắc đã có khả năng “điều binh khiển tướng”.
Chúng ta thường thấy rằng, ngay khi đã xác định được phương hướng và mục tiêu, một nhà lãnh đạo kiệt xuất ngay lập tức sẽ hành động với quyết tâm cao nhất. Họ sẽ tự mình làm gương, làm việc nghiêm túc.
Khi gặp khó khăn, họ bình tĩnh ứng phó; khi ra quyết sách họ thông minh quyết đoán, lời nói rất có trọng lượng; khi thời cơ đến, họ biết nắm bắt kịp thời.
>> Làm sao để đọc báo cáo tài chính chỉ trong 1 phút
Theo Doanhnhansaigon

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Brazil: Công thức chiến thắng của giáo dục vì lợi nhuận

Hai công ty giáo dục lớn của Brazil hiện đang trong quá trình sáp nhập đã chứng minh một sự thật là các trường đại học có thể đảm bảo được cả về chất lượng và số lượng.


Ở Mỹ, người ta đang lo lắng về chi phí học đại học quá cao và nghi ngờ chất lượng đào tạo của các trường tư hoạt động vì lợi nhuận.
Một cuộc điều tra của Quốc hội vào năm 2012 thừa nhận rằng những trường này có số lượng sinh viên theo học tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua và họ đã thực sự trao cho một bộ phận sinh viên cơ hội tốt nhất để có được tấm bằng cử nhân.
Những sinh viên này lớn tuổi hơn, có khả năng tài chính thấp hơn và không được chuẩn bị tốt cho việc học cao hơn so với những sinh viên học trường công hoạt động không vì lợi nhuận.
Tuy nhiên, khảo sát này cũng kết luận rằng học phí và tỷ lệ bỏ học ở các trường tư ngày càng tăng cho thấy phần lớn sinh viên chẳng nhận lại được gì ngoài số nợ khổng lồ.
Trong khi đó, ở những nơi khác của châu Mỹ, câu chuyện này lại đi theo chiều hướng tích cực hơn nhiều.
Sau khi dần mở rộng thị trường, các trường tư hoạt động vì lợi nhuận ở Brazil đã chiếm được ¾ thị trường giáo dục đại học của nước này bởi vì học phí của họ thấp trong khi chất lượng ngày càng tăng.
Và vì không có quốc gia nào có mức lương tăng vọt nhờ tấm bằng cử nhân nhiều như Brazil – theo OECD, nên các cử nhân ở nước này có thể dễ dàng thu hồi lại học phí chỉ trong vài năm sau khi ra trường.
đại học tư nhân, MOOCs, học trực tuyến, lợi nhuận, Brazil
Đại học tư của Brazil kết hợp giữa hình thức học từ xa và gặp gỡ trực tiếp
Ngay lập tức, Brazil không chỉ trở thành trung tâm của khu vực giáo dục lợi nhuận đầy sôi động của thế giới mà còn trở thành ngôi nhà của các công ty giáo dục đại học vì lợi nhuận lớn nhất thế giới.
Tháng trước, cơ quan chống độc quyền CADE đã chấp thuận việc Kroton – công ty giáo dục tư nhân lớn nhất Brazil mua lại Anhanguera – công ty lớn thứ hai – để tạo nên một gã khổng lồ với giá trị trên thị trường chứng khoán vào khoảng 18 tỷ reais (8 tỷ USD).
“Để đảm bảo chất lượng giáo dục thì dễ. Về số lượng cũng vậy. Nhưng việc khó nhất là kết hợp 2 yếu tố này với nhau” – ông chủ trẻ tuổi của Kroton, Rodrigo Galindo nhận định.
Bí quyết ở đây là phải từ bỏ những phương pháp dạy “thủ công” với những thứ có khả năng thay đổi như: giảng viên, tài liệu học tập trực tuyến, bài giảng của những giảng viên nổi tiếng được phát qua vệ tinh, hợp đồng nhượng quyền được quy định chặt chẽ
Ông cho rằng, bí quyết ở đây là phải từ bỏ những phương pháp dạy “thủ công” với những thứ có khả năng thay đổi như: giảng viên, tài liệu học tập trực tuyến, bài giảng của những giảng viên nổi tiếng được phát qua vệ tinh, hợp đồng nhượng quyền được quy định chặt chẽ với hàng trăm trung tâm đào tạo của địa phương được quản lý bởi bên trung gian.
Công ty này đã đầu tư mạnh tay vào những khóa học qua máy vi tính có tương tác với sự tiến bộ của người học bằng cách đưa thêm những giải thích và ví dụ minh họa.
Unopar – một trường đại học ở Londrina, một thành phố sương mù ở bang Paraná được Kroton mua lại vào năm 2011 và hiện đang là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của công ty này. Cách đây một thập kỷ, trường này đã trở thành ngôi trường đầu tiên ở Brazil được cho phép đào tạo từ xa.
Ngay lập tức, Kroton nhận ra rằng các cấp học khác cũng có thể được đào tạo nhờ sự kết hợp giữa học trực tuyến chất lượng cao và tham gia hội thảo tại một trung tâm địa phương hàng tuần.
Hiện Kroton đang là nhà cung cấp giáo dục đại học từ xa lớn nhất của Brazil, với 150.000 sinh viên đăng ký ở gần 500 trung tâm trên khắp đất nước này. Trung tâm xa xôi nhất có 300 sinh viên nằm ở Oriximiná thuộc bang Pará – nơi mà chỉ có thể tới bằng trực thăng hoặc đi thuyền mất 12 tiếng từ Manaus – thành phố chính của khu vực này.
“Những khóa học này không dễ. Chúng rất linh hoạt” – bà Elisa Assis, giám đốc đào tạo từ xa của Unopar cho hay.
Bà giải thích rằng những khóa chỉ học qua web thường có tỷ lệ bỏ học rất cao. Việc yêu cầu sinh viên gặp gỡ nhau hàng tuần sau khi đã theo dõi bài học trực tuyến được phát đi từ trụ sở là để giữ chân sinh viên tiếp tục tham gia khóa học. Các câu hỏi của học viên cũng chính là những phản hồi về mỗi bài học để nhà trường điều chỉnh tốt hơn.
Tìm kiếm giảng viên giỏi
Anhanguera được biết đến nhiều hơn về giảng dạy tại trường, thường là vào các buổi tối để phù hợp với công việc của học viên.
Tại trụ sở ở Vila Mariana – một khu vực trung lưu của São Paulo, trường này có một trung tâm truyền thông với hàng chục trường quay – nơi phát đi những bài học dài hàng tiếng đồng hồ tới các trung tâm khác trên khắp đất nước.
Trường tư: Những giáo viên sử dụng tốt máy vi tính sẽ được săn đón và được đào tạo thêm.
Trường công: Với tâm thế không cần phục vụ khách hàng nên chất lượng dần giảm xuống. 
Những giáo viên sử dụng tốt máy vi tính sẽ được săn đón và được đào tạo thêm. “Giống như điều hành một mạng lưới truyền hình trả tiền với 39 kênh” - ông Luciano Possani, giám đốc thông tin của công ty nhận xét.
Lượng người mua càng lớn thì giá bán tài liệu học càng rẻ. Anhanguera thương lượng với các nhà xuất bản để được cung cấp sách giáo khoa với giá bằng 1/5 giá niêm yết.
Khách hàng của Anhanguera cũng giống như của Kroton, hầu hết là những người lần đầu tiên học đại học. Họ tới từ tầng lớp lao động, có bố mẹ chưa bao giờ học đại học, thậm chí chưa bao giờ đến trường. Học phí mỗi tháng là 400 reais với những khóa học được dạy trực tiếp trên giảng đường, và 250-300 reais với những khóa học từ xa.
Các trường đại học công thì không được phép tự thu phí, vì thế các trường này chủ yếu là lãnh địa riêng của những người giàu.
Tuy nhiên, trong tương lai, đối tượng sinh viên này hoàn toàn có thể bị hấp dẫn bởi các trường tư – ông Possani khẳng định.
Giảng viên ở các trường công thường hay biểu tình, nội dung các khóa học thường không sát với công việc thực tế.
Với tâm thế không cần phục vụ khách hàng nên chất lượng dần giảm xuống. “Các bài giảng truyền thống có thể hay hoặc dở, phụ thuộc vào giảng viên. Nó giống như sự khác nhau giữa truyền hình trực tiếp và phim ảnh”.
Sống sót nhờ nỗ lực đảm bảo chất lượng đào tạo
Mặc dù, hiện tại, khu vực giáo dục đại học vì lợi nhuận đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng Brazil đã sống sót nhờ việc nỗ lực đảm bảo chất lượng đào tạo. Chi phí cao ở các trường công dẫn tới việc mở rộng khu vực tư nhân là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, do thiếu sự giám sát của chính phủ và sự thiếu kinh nghiệm của khách hàng nên danh tiếng của khu vực này bị hoen ố bởi những người điều hành thiếu tin tưởng, chỉ cấp ra những tấm bằng vô giá trị.
Từ đó, những quy định hợp lý đã sắp xếp lại mọi thứ. Hầu hết những người học đại học ở Brazil đều phải tham gia một kỳ thi tiêu chuẩn được tổ chức bởi Bộ Giáo dục nước này, trong đó Bộ sẽ công bố mức điểm đủ điều kiện cho mỗi khóa học.
Chỉ những sinh viên có kết quả học tập tốt mới đủ điều kiện được nhận khoản vay từ chính phủ. Điều đó giúp các công ty giáo dục có động lực lớn trong việc nhận các học viên có nghị lực.
Một đề án khác của chính phủ còn đề nghị giảm thuế cho những trường trao học bổng cho 1/10 số học viên. Và vì chỉ những người có kết quả học tập trung học tốt mới được trao học bổng nên tiêu chuẩn đầu vào cũng được đẩy lên.
Cả Kroton và Anhanguera đều chưa nghĩ đến việc mở rộng sang thị trường nước ngoài, ít nhất là bây giờ thì chưa.
Một trong những lý do là tất cả tài liệu giảng dạy của họ đều là tiếng Bồ Đào Nha.
Một lý do khác là việc làm ăn ở quê nhà vẫn đang rất tốt. Cứ 100 đứa trẻ Brazil học tiểu học thì chỉ có 57 trẻ học tiếp trung học và chỉ có 14 trẻ đăng ký học đại học. Hơn 12 triệu người từ 25-34 tuổi đã tốt nghiệp trung học nhưng không hoặc chưa học lên cao hơn.
Với quá nhiều “đất” để phát triển, Brazil dường như đang là công thức chiến thắng của giáo dục vì lợi nhuận.
  • Nguyễn Thảo(Theo Economist)

Thầy giáo đem tiền nhà 'nuôi' học trực tuyến

 - Hàng tháng đem từ 25 – 30 triệu đồng tiền nhà đi “nuôi” một trang web học trực tuyến miễn phí là công việc mà một thầy giáo 8x đang thực hiện.

Thầy Lê Đức Thuận, giáo viên toán Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam là người đứng đầu dự án baigiangtructuyen.vn, được thành lập bởi một nhóm bao gồm 50 giáo viên, sinh viên, học sinh đến từ các trường THPT và ĐH hàng đầu tại Hà Nội (như THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Ngoại thương…) cung cấp tri thức cho học sinh phổ thông thông qua những bài học online hoàn toàn miễn phí.
thầy giáo, học trực tuyến, web, học miễn phí, MOOCs
Thầy Lê Đức Thuận 
Không phải quá cần, nhưng không thể thiếu
- Tôi tìm hiểu về MOOCs (cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà) từ năm 2008, đã muốn mở website học trực tuyến từ khi đó, nhưng do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, chủ yếu là vấn đề kinh phí và một phần là cả về vấn đề công nghệ, nên chưa thể thực hiện được.
Còn bây giờ, tôi tự hào là đã thực hiện được việc mình đã thai nghén từ lâu. Trước chỉ là ý nghĩ, nay đã là sự thật.
Mọi người vẫn cho rằng thời gian học trên lớp cùng thời gian học thêm đã khiến học sinh phổ thông quá bận rộn. Theo anh, tại sao các trang web học trực tuyến vẫn có cơ hội phát triển?
- Như chúng ta biết, năng lực và tốc độ học tập của mỗi người khác nhau là khác nhau. Ở trên lớp các thầy cô giảng bài, ví như ta cung cấp một món ăn cho nhiều người, dĩ nhiên, sẽ có người thấy phù hợp, có người không. Vì thế mong muốn các em học sinh có thể cá nhân hoá việc học cho phù hợp với năng lực của mình sẽ là một vấn đề gian nan.
Các trang web học trực tuyến lại khác, chúng cung cấp bài giảng để học sinh có thể học theo năng lực, tốc độ thậm chí là nhu cầu của từng em. Các em có thể xem đi xem lại bài học nhiều lần, làm đi làm lại một một đề trắc nghiệm, xem đi xem lại một lời giải mẫu cho kì hiểu mới thôi.
Ngoài ra, các trang web học trực tuyến nếu được thiết kế và xây dựng tốt thì vừa giống như một trường học ảo, lại vừa như những kho học liệu khổng lồ, chẳng những phong phú về nội dung, đảm bảo chất lượng tốt mà còn mang tính tương tác cao. Khi các em cảm thấy cần bất cứ điều gì thì có thể vào tra cứu, thoả sức mày mò, tìm hiểu, học tập để lĩnh hội tri thức. Các em cũng có thể thảo luận cuối mỗi bài học cùng thầy cô và bạn bè ở khắp các vùng miền để được giải đáp những thắc mắc mà mình gặp phải để từ đó việc học đạt kết quả cao.
Là người vừa giảng dạy trực tiếp, vừa tham gia dạy học trực tuyến, anh nhận định như thế nào về xu hướng học trực tuyến? Liệu rằng học trực tuyến sẽ dần thay thế được việc học trên lớp?
- Học trực tuyến hiện đã rất phát triển ở Mỹ và các nước châu Âu và một vài năm gần đây cũng lan dần sang châu Á, nhất là ở Hàn Quốc và Singapore.
Ở Việt Nam hiện nay được biết đến là nước có dân số đông, trẻ và có tốc độ phát triển về CNTT hàng đầu châu Á nên việc học trực tuyến phải nói là cực kì tiềm năng và trên thực tế cũng đã có một số website học trực tuyến, tuy mới ra đời được vài năm, nhưng đã thu hút hàng triệu người tham gia.
Tuy thế, học online không phải là vạn năng. Muốn học online trước tiên phải trang bị máy tính có nối mạng (điều mà học sinh vùng sâu vùng xa hiện cực kì khó khăn) và đặc biệt cần tính tự giác cao của người học. Hơn nữa, sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng mô hình này thay thế việc học truyền thống. Mỗi một mô hình có những thế mạnh mà mô hình còn lại không có được. Với tôi, tôi quan niệm sẽ không bao giờ tuyệt đối hóa phương pháp học này mà bỏ qua phương pháp học tập khác. Cái tôi muốn đề cao chính là việc chúng ta phải làm sao để người học nhận được gì có ích sau từng khóa học.
Khảo sát gần đây của trang web học trực tuyến nổi tiếng thế giới hiện nay, coursera.org, cho thấy có tới 90% người học trực tuyến bỏ dở khóa học giữa chừng. Nhưng nếu nghĩ 10 người học 9 người bỏ mà không làm là sai. Có thể 9 người bỏ dở kia chỉ có nhu cầu tra cứu ở một vài nội dung nào đó.
Tôi mê việc dạy học trực tuyến, nhưng không không thần thánh hóa nó. Hãy đặt tính hữu ích của nó ở chỗ khi nào cần là có. Những trang web này giống như người đồng hành, hỗ trợ cho các em, nhất là các em ở những vùng không có điều kiện tiếp cận những nơi có sự giáo dục tốt như ở Hà Nội và TP.HCM. Giống như bảo tàng với thư viện, không phải lúc nào cũng vào, nhưng là những thứ không thể thiếu.
Anh nhận xét như thế nào về sự tiếp nhận của học sinh Việt Nam đối với mô hình học trực tuyến?
- Cái hay của các bạn trẻ là bắt nhập rất nhanh. Cách đây mấy năm đã rộ lên phong trào học sinh dùng facebook – trang web chuyên tán gẫu được giới trẻ yêu thích. Tôi nghĩ tại sao lại chỉ là tán gẫu? Tại sao không tận dụng mạng xã hội số 1 thế này phục vụ cho việc học của các em? Thế là nhóm học tập One Lesson A Day ra đời. Rất nhanh sau đó, nhóm học tập này được lan truyền và được học trò khắp nơi ủng hộ. Đến bây giờ chắc bạn không thể đếm được trên facebook có bao nhiêu nhóm học tập như thế ở Việt Nam.
Thế nhưng, “sứ mệnh” của facebook vẫn được ấn định là “tán gẫu”. Vì thế nó không thể thay thế những website học trực tuyến chuyên nghiệp.
Học trực tuyến đối với học sinh thành phố không có vấn đề gì. Tôi có lo lắng ở vùng sâu vùng xa, trang bị máy tính, nối mạng còn gặp nhiều khó khăn. Tôi hy vọng sẽ có hai kiểu tác động: Có máy tính nối mạng rồi học sinh tìm đến baigiangtructuyen.vn để học. Tuy nhiên nếu thấy baigiangtructuyen.vn rất tốt để có động lực trang bị máy tính để học thì tốt hơn.
thầy giáo, học trực tuyến, web, học miễn phí, MOOCs
Thầy Lê Đức Thuận cùng học trò
Các anh có định mở rộng bài giảng ra tất cả các cấp học?
- Đây là việc tôi suy nghĩ ngay từ đầu. Giống như việc xây nhà, nếu anh chỉ định xây nhà cho 3 người thì sau này nếu anh muốn bố trí cho 5 người ở sẽ rất khó khăn nếu không có thiết kế ngay từ đầu. Trước khi xây dựng website này, 3 năm đầu tôi xác định chỉ mở các khóa học trước hết là dành cho bậc THPT rồi lan dần xuống bậc THCS. Còn ước mơ của chúng tôi sau này là mở rộng từ bậc tiểu học cho tới ĐH thậm chí sau ĐH.
Để làm được điều này, ngay đầu chúng tôi đã phải nghiên cứu để thiết kế hệ thống theo hướng mở, tức là chúng ta có dễ dàng “sinh ra” các khóa học mới khác nhau. Tôi mong muốn có nhiều thầy cô tham gia ngay từ bây giờ. Chúng tôi sẵn sàng tạo ngay tài khoản cho các thầy cô đưa bài giảng lên, tự quản lý khóa học của mình và cùng tương tác với những học sinh tham gia.
Tôi không mơ mộng hão huyền. Tôi coi dự án chỉ là một món ăn trong một bữa buffet, nhưng cũng tự tin rằng mình không quá kém cỏi.
Sẽ luôn là miễn phí
Anh đã bao giờ nghĩ đến chuyện sau một vài năm nữa, tinh thần, thu nhập… không duy trì được như hiện nay?
- Trước khi lập trang web, tôi cũng đã rất băn khoăn và do dự bởi dự án dường như quá tham vọng. Nhưng sau khi tham dự một cuộc tọa đàm do các bạn TEDxHoanKiem tổ chức, nghe những bài nói chuyện của các diễn giả, tôi đã tự nhủ với bản thân : “Mình có thể làm được.”
Tôi quan niệm rằng, một khi đã bắt đầu có nghĩa là mình phải dồn hết say mê, tâm huyết, phải theo đuổi đến cùng. Đã làm - là không cho phép mình thất bại.
Đến bây giờ thì tôi không thể “quay đầu” nữa. Nếu thất bại, là thất bại về uy tín, về niềm tin. Niềm tin ở đây không phải là của người học, bạn bè, mà là niềm tin của tôi vào chính bản thân mình.
Như mọi người vẫn nói, “thầy già con hát trẻ”, còn sức khỏe còn làm ra tiền. Vì vậy, tôi hạ quyết tâm khi đặt bút ký “hợp đồng”… với mình, sẽ duy trì, không xâm phạm kinh phí hoạt động của trang web, cho dù hiện nay tôi vẫn ở nhà thuê, hay sau này, có thể có những lúc tôi phải vay mượn để trang trải các nhu cầu của cuộc sống.
Và tôi tin tưởng rằng, khi xã hội ghi nhận những cố gắng của chúng tôi, sẽ có thêm nhiều giáo viên giỏi đồng hành trong việc xây dựng và phát triển dự án ngày một phong phú và lớn mạnh.
Vậy vấn đề anh lo lắng nhất hiện nay là gì?
- Tôi lo làm sao phát triển được nguồn kinh phí. Chủ yếu để bồi dưỡng xứng đáng cho đội ngũ thầy cô và cộng tác viên, đặc biệt là các giáo sinh giỏi mới ra trường, các sinh viên xuất sắc ở quê lên thành phố học tập và đang tham gia vào dự án. Các em vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt ở thành phố mà yếu tố tài chính là một trong điều nan giải.
Không thu phí, nhưng anh có tính đến việc kêu gọi tài trợ cho trang web?
- Trước mắt chúng tôi cứ làm tốt đã. Nếu vượt qua được giai đoạn sơ khai, bước vào ổn định lâu dài, tôi mới tính. Hy vọng với sự đóng góp cho cộng đồng, chúng tôi sẽ thu hút được thêm các tổ chức xã hội tham gia, đem lại giá trị lớn hơn, lan tỏa nhiều hơn.
Trong quá trình hoạt động, có một điều khiến tôi trở đi trở lại là việc chúng ta vẫn loay hoay với cách học truyền thống tại trường lớp đã trở nên lạc hậu so với hướng đi của thế giới như hiện tại.
Học trực tuyến hiện nay đang là một xu thế. Các nước như Anh Mỹ thì phương pháp giáo dục này đã quá quen thuộc; còn tại Châu Á thì những nền giáo dục đi đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc… học sinh cũng được tiếp cận từ lâu. Học sinh Việt Nam vẫn luôn được đánh giá cao về khả năng tiếp cận cái mới, sự thông minh cũng như tinh thần cầu tiến trong lĩnh vực học tập. Nên có nhiều kênh giáo dục được đầu tư và ủng hộ hơn nữa để giúp các em có thể khai mở được những khả năng tiềm ẩn của mình.
Xin cảm ơn anh.
  • Chi Mai thực hiện
Sinh năm 1980 tại Tân Tiến, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Sư phạm ngành Toán tại ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2002 rồi nhận bằng Thạc sỹ ngành này tại cùng trường năm 2005. Năm 2006 khi đang làm Nghiên cứu sinh thì phải bỏ giữa chừng vì “còn nhiều hoài bão dở dang”. Sau khi công tác nhiều nơi thì chuyển về trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam làm giáo viên toán kiêm trưởng nhóm website nhà trường từ năm 2008 đến nay.